Cơ hội đầu tư của những người nắm nhiều tiền mặt

19 đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) vào giai đoạn khó khăn, thậm chí phải rời thị trường. Dù vậy, khó khăn của người này cũng là cơ hội của người khác, đặc biệt những người có sẵn tiền mặt...

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mua gì cũng... rẻ!

Quan tâm đến lĩnh vực chế biến, sản xuất cà phê từ lâu, mới đây bà Hoa (một nhà đầu tư bất động sản) được người quen báo tin có một DN nhỏ và vừa làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang khó khăn, cần bán lại nhà xưởng. Không chần chừ, bà tìm hiểu rồi quyết định mua lại nhà máy với giá chỉ bằng một nửa giá đầu tư ban đầu. "Chúng tôi đã có nguồn xuất khẩu, chỉ cần sản xuất ra sản phẩm chất lượng là xuất đi được. Bước đầu sẽ khó khăn nhưng phải bắt tay làm mới biết. Tôi cũng vừa thỏa thuận được mặt bằng thuê mới rẻ hơn trước nhiều, hy vọng chiến lược đầu tư này ổn" - bà Hoa hào hứng.

Rất thích đầu tư làm nhà hàng, quán ăn nhưng vợ chồng anh Trung (kinh doanh tự do ở quận Bình Tân, TP HCM) loay hoay chưa tìm ra mặt bằng. Do ảnh hưởng bởi đại dịch, chủ một nhà hàng ở quận 3 thông báo sang lại nhà hàng. Nhận thấy mặt bằng vị trí đẹp, đúng tầm "ngắm nghía", anh Trung quyết định xuống tiền đầu tư. "Tôi sẽ làm món truyền thống, đặc sản, có thể giao tận nơi cho từng gia đình. Với giá thuê mặt bằng quá tốt, chưa bằng 2/3 so với giá cũ và việc thay đổi cách thức kinh doanh, tôi tin mọi thứ sẽ tốt đẹp" - anh Trung tự tin.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2020, có 34.300 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Đổi lại, cũng trong 8 tháng, cả nước có 88.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,25 triệu tỷ đồng. Tại TP HCM, đã có thêm 25.882 DN được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 554.000 tỷ đồng. Số giấy phép giảm 7,4% nhưng vốn tăng ký lại tăng mạnh 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, trong khó khăn vẫn còn nhiều, người có khả năng tài chính tốt, có thể xoay xở để việc đầu tư hiệu quả hơn. Tổng Giám đốc một DN trong lĩnh vực may mặc tại TP HCM nhận xét chưa bao giờ mặt bằng lại có giá thuê rẻ như lúc này, nhiều chủ nhà sẵn sàng "xuống nước" và thương lượng lại giá cho thuê - điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Cơ hội để thuê được mặt bằng giá rẻ hơn nhiều so với thời điểm trước dịch đang đến, khi khắp các tuyến đường khu vực trung tâm TP đều có thông báo "cho thuê nhà", "cho thuê mặt bằng"...

Đa dạng sản phẩm đầu tư hấp dẫn

Trong lĩnh vực du lịch, tác động nặng nề của đại dịch khiến nhiều khách sạn 2-3 sao ở TP HCM và nhiều địa phương du lịch nổi tiếng được rao bán với giá rẻ hơn nhiều so với trước dịch. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều công ty du lịch nhìn nhận làn sóng rao bán sẽ còn tiếp tục khi du lịch nội địa chưa hồi phục, trong khi khách quốc tế chưa biết khi nào quay lại... Lúc này, ai có tiền mặt, có thanh khoản tốt có thể lựa chọn những khách sạn tốt với giá hời. "Nhiều khách sạn khu vực Đà Nẵng, Nha Trang trước đây 100 tỷ đồng, giờ rao bán chỉ 60-70 tỷ đồng. Cơ hội cho những người có tiền mặt đầu tư lúc này là rất tốt vì nhu cầu du lịch luôn luôn có, chắc chắn ngành du lịch sẽ hồi phục khi dịch được kiểm soát và có vắc-xin" - lãnh đạo một công ty du lịch đang có dự án đầu tư ở một số tỉnh, thành nhận định.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, hiện có quá nhiều sản phẩm đầu tư hấp dẫn. Hàng loạt mặt bằng đẹp, giá rẻ ở khu đất vàng... đang rao bán, cho thuê trong khi trước đây muốn thuê giá cao cũng không được. Đặc biệt, người cầm tiền có thể ép giá, thỏa thuận trả chậm hoặc ưu đãi khác.

"Dù vậy, thời điểm này đã là đáy chưa, có nên bắt đáy thị trường hay tiếp tục chờ một thời gian nữa là câu chuyện phải cân nhắc. Một số dự báo kinh tế cho thấy bức tranh thị trường vẫn còn khó khăn. Đặc biệt với bất động sản, tính thanh khoản rất quan trọng, có khi rẻ thật nhưng đầu tư cần có thanh khoản để ra hàng, thuê để kinh doanh cũng phải bán được hàng... Nếu chỉ mua để ở thì rõ ràng có nhiều cơ hội lựa chọn" - ông Phan Dũng Khánh lưu ý và nói thêm riêng lĩnh vực sản xuất, ngoài chuyên môn, hiểu biết thì đây là cơ hội tốt để có thể đầu tư.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính DN - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng tiền mặt luôn quan trọng và điều quan trọng khác là cần có kiến thức, hiểu biết khi muốn bỏ tiền vào lĩnh vực nào, thời điểm nào. Đại dịch đang khiến nhiều DN, ngành nghề gặp khó; chỉ khi nào có vắc-xin, kinh tế thế giới ổn định và phải thêm một thời gian để phục hồi. Vì vậy, người cầm tiền nên cân nhắc đầu tư lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nào. "Nếu có kiến thức, am hiểu lĩnh vực quan tâm, người có tiền có thể chọn đầu tư mua lại, khởi nghiệp những lĩnh vực mình yêu thích, có khi sẽ là thương vụ để đời, làm nên "điều hay ho" về sau.

Chính phủ đang có nhiều chính sách thông thoáng về môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN phát triển, giảm lãi suất cho vay dài hạn... sẽ tiếp thêm cơ hội cho người bắt đầu" - TS Lê Đạt Chí nhận định.


Theo Kinh Tế Chứng Khoán