Chuyện về những nữ quán quân Olympia

Chiến thắng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020, Nguyễn Thị Thu Hằng đã mang vinh quang về cho trường THPT Kim Sơn A và cho quê hương Ninh Bình.


Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng. Ảnh: Đinh Tùng.

Năm nay, Đường lên đỉnh Olympia bước sang năm thứ 20. 4 nhà leo núi trong trận chung kết là Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình); Vũ Quốc Anh (Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk); Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) và Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm). 4 thí sinh tham gia tranh tài trực tiếp tại trường quay Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài ra, chương trình còn được truyền hình trực tiếp tại 4 điểm cầu ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk.

Trận chung kết năm gay cấn

Là thí sinh nữ có điểm cao nhất trong lịch sử 20 năm cuộc thi với tổng điểm 350 tại cuộc thi Tuần, Nguyễn Thị Thu Hằng có chút lo lắng trước trận chung kết nhưng khá hào hứng vì được quay trở lại trường quay S14.

Trước Nguyễn Thị Thu Hằng, chương trình Đường lên đỉnh Olympia mới chỉ có 3 nữ quán quân là Trần Ngọc Minh, Lương Phương Thảo và Phạm Thị Ngọc Oanh.

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 bắt đầu với phần thi Khởi động. Số lượng câu hỏi trong phần thi này là không giới hạn, trong vòng 1 phút, mỗi thí sinh khởi động với các câu hỏi thuộc lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, thể thao, nghệ thuật, tiếng Anh... Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai không bị trừ điểm.

Ở phần thi đầu tiên Thu Hằng trả lời đúng 7 câu hỏi, giành 70 điểm. Tuy nhiên sau khi xem lại đoạn băng, ban tổ chức phát hiện một câu hỏi về lĩnh vực hóa học Hằng trả lời sai, em bị trừ 10 điểm.

Bước vào phần thi thứ hai Vượt chướng ngại vật, có 4 từ hàng ngang - cũng chính là 4 gợi ý liên quan đến chướng ngại vật mà các thí sinh phải đi tìm. Câu chuyện “ATM gạo” của anh Tuấn Anh (TP.HCM) được đưa vào gợi ý, sau ATM gạo này thì anh đưa ATM nào vào? Câu trả lời đúng là “khẩu trang”. Sau gợi ý này Quốc Anh và Thu Hằng trả lời đúng, đạt thêm 10 điểm.

Ngay sau gợi ý đầu tiên, Thu Hằng nhấn chuông xin trả lời chướng ngại vật. Đáp án của em là: "Y tế". Sự táo bạo và liều lĩnh của Hằng đã khiến cả trường quay vỡ òa, cổ động viên Ninh Bình đã bật khóc khóc trong vui sướng. Thu Hằng vượt chướng ngại vật thành công, giữ vị trí đầu tiên và đạt 150 điểm.

Trước khi đến với phần thi cuối cùng, Thu Hằng hoàn thành phần Tăng tốc nhanh nhất và tạm dẫn đầu với 240 điểm.

Phần thi Về đích, Thu Hằng đã có chiến thuật hợp lý để bảo toàn điểm số, giữ khoảng cách với người bám đuổi phía sau. Kết thúc các phần thi, Thu Hằng được 235 điểm, Quốc Anh 165 điểm, Dũng Trí 130 điểm và Tuấn Kiệt 85 điểm. Kết quả chung cuộc, nữ sinh Ninh Bình đã xuất sắc về nhất, giành vòng nguyệt quế của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.

Nữ quán quân đầu tiên

Trần Ngọc Minh, trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), nhà vô địch đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia năm 2000.

Tham gia chung kết Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), Trần Ngọc Minh cũng là nhà vô địch đầu tiên của cuộc thi này vào năm 2000.

Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường đi du học tại đại học Swinburne, Australia. Cô gái này đã hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Không chỉ vậy, Ngọc Minh còn là một trong số ít những sinh viên tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành mạng thông tin của ĐH Swinburne.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Ngọc Minh làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia. Tháng 1/2013, Ngọc Minh lập gia đình sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định.

Chân dung nhà vô địch Nguyễn Thị Thu Hằng

Nguyễn Thị Thu Hằng, nữ sinh tới từ Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình, cô gái duy nhất trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2020, đã trở thành quán quân xứng đáng sau phần thể hiện ấn tượng qua các phần thi.

Trước đó, Thu Hằng đã trở thành niềm tự hào của gia đình và nhà trường khi là nữ sinh đầu tiên vào chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia sau 8 năm. Ngoài ra, với tổng điểm là 350 trong cuộc thi Tuần, Thu Hằng đã xác lập kỷ lục mới: Thí sinh nữ có tổng điểm cao nhất Đường lên đỉnh Olympia trong 20 năm qua.

Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia học giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là môn sinh học. Nữ sinh từng giành các giải thưởng: Huy chương Bạc giải toán bằng tiếng Anh trên internet cấp quốc gia lớp 8; Giải Khuyến khích cấp quốc gia ở Olympic tiếng Anh trên internet lớp 9.

Ngoài học giỏi, Nguyễn Thị Thu Hằng còn là người có năng khiếu ca hát, thích tham gia các hoạt động tập thể và đặc biệt có kênh Youtube cá nhân rất độc đáo ghi lại những khoảnh khắc thú vị và trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống hàng ngày.

Thu Hằng là nữ sinh đầu tiên vào chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia sau 8 năm. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Thu Hằng sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, bố là thợ sửa máy móc và có một em gái. Cô bạn may mắn được bố mẹ định hướng, giúp đỡ trong học tập nhưng không đặt nặng thành tích.

Những lúc rảnh rỗi, Thu Hằng mày mò học chơi đàn organ và guitar qua mạng Internet. Nữ sinh không có thần tượng mà tin rằng mỗi người đều có điểm mạnh riêng đáng được trân trọng.

Quán quân duy nhất đang làm việc trong nước

Lương Phương Thảo, trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2003.

Mùa thứ 3 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia tiếp tục ghi danh một đồng môn của Ngọc Minh trên đỉnh vinh quang.

Đó là cô gái Lương Phương Thảo đến từ trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Sau khi kết thúc chương trình, cô đã quyết định chọn ngành học kinh doanh quốc tế và marketing thuộc ĐH Monash, thành phố Melbourne, Australia.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash, Melbourne, năm 2011, Phương Thảo về nước và làm việc ở một công ty của Mỹ tại TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Nguồn động lực từ quê nhà

Sáng sớm 20/9, tại Trường THPT Kim Sơn A (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), hàng ngàn cổ động viên đã đội mưa tập trung cổ vũ cho “nhà leo núi” Nguyễn Thị Thu Hằng.

Đây là vinh dự lớn cho địa phương khi lần thứ 2 Ninh Bình có thí sinh xuất sắc bước vào vòng chung kết cuộc thi trí tuệ hấp dẫn bậc nhất trên truyền hình dành cho lứa tuổi học sinh.

Ngay từ sáng sớm, mặc dù trời mưa nhưng hàng ngàn cổ động viên bao gồm các học sinh, thầy cô giáo Trường THPT Kim Sơn A, các trường THPT trên địa bàn và các bậc phụ huynh học sinh đã tập trung tại Trường THPT Kim Sơn A để cổ vũ cho Thu Hằng.

Sau khi tên nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng được xướng lên, trường THPT Kim Sơn A như vỡ tung trong niềm vui chiến thắng. Mọi người đã cùng nhau hô vang “Thu Hằng vô địch”.

Thầy và trò trường THPT Kim Sơn A vui mừng, phấn khởi và đầy tự hào về thành tích mà cô học trò nhỏ của nhà trường đã đạt được trong cuộc thi. Thu Hằng đã mang vinh quang về cho không chỉ ngôi trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn mà cả tỉnh Ninh Bình.

Trong niềm vui sướng, thầy giáo Vũ Đắc Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn A chia sẻ: “Nhà trường đầy tự hào về em Nguyễn Thị Thu Hằng. Chiến thắng trong trận chung kết, bước lên nhận vòng nguyệt quế của cuộc thi, em Hằng đã mang vinh quang về cho toàn trường và cho quê hương Ninh Bình”.

Thầy Toàn chia sẻ thêm, đây là lần thứ 2 trường THPT Kim Sơn A vinh dự có học sinh lọt vào trận chung kết của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Lần này em Thu Hằng dự thi với thành tích vô cùng xuất sắc và giành được điểm số cao nhất trở thành nhà vô địch mới cuộc thi.

“Thu Hằng sẽ mãi là tấm gương cho bạn bè, các em học sinh trong trường noi theo để vượt qua mọi khó khăn, thành công hơn nữa trong học tập”, thầy Toàn tâm sự.

Phạm Thị Ngọc Oanh, trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng), quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2011.

Cô gái thứ 3 từng đạt được vòng nguyệt quế của chương trình Đường lên đỉnh Olympia là Phạm Thị Ngọc Oanh đến từ trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngọc Oanh đăng quang ngôi vô địch với 230 điểm.

Kết thúc chương trình, nhà vô địch năm thứ 11 theo học ngành thương mại của ĐH Swinburne, Australia. Cô từng chia sẻ về mong muốn được làm việc ở Melboune 2 năm để tích lũy kinh nghiệm và xin học bổng học thạc sĩ tại Mỹ.

Vũ Quốc Anh, Trường THPT Ngô Gia Tự, là học sinh thứ 3 của tỉnh Đăk Lăk từng vào đến một trân chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia. Quốc Anh là thí sinh có điểm số cao nhất trong chương trình năm nay với 385 điểm. Trong trận chung kết Năm, em dành 165 điểm, là Á quân Đường lên đỉnh Olympia 2020.

Lưu Đào Dũng Trí là thí sinh đầu tiền mang cầu truyền hình về cho trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Điều đặc biệt, đây là thí sinh duy nhất có một vòng nguyệt quế trước khi đến trận chung kết bởi em về nhì ở cuộc thi Tuần và Tháng. Trận chung kết Năm, Dũng Trí dành 130 điểm, đồng giải Ba Đường lên đỉnh Olympia 2020.