Việt Nam đang trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Mô hình siêu lợi nhuận
Theo thống kê của IAGTO (Tổ chức Du lịch golf thế giới), toàn cầu có khoảng hơn 60 triệu golfer và mức chi tiêu của nhóm này nhiều gấp 2 lần so với khách du lịch khác. Mức chi tiêu này dựa trên nhiều yếu tố như: thời gian lưu trú dài hơn, lựa chọn địa điểm và tiện nghi lưu trú cao cấp, chi tiêu cho các dịch vụ liên quan tới golf cũng như số lượng thành viên tham gia một nhóm du khách chơi golf…
Với 61 quốc gia thành viên, bao gồm hơn 600 công ty khai thác du lịch golf, IAGTO hiện kiểm soát hơn 87% thị trường toàn cầu và tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hàng năm với 1,9 triệu golfer thường xuyên tham gia các chuyến thi đấu hoặc du lịch golf.
Tại châu Á, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… là điểm đến hàng đầu cho các chuyến “Đông du” của các golfer phương Tây. Đặc biệt, Thái Lan được coi là “vương quốc golf” của khu vực, với hơn 300 sân golf, đã đón khoảng 400.000 du khách chơi golf, thu về hơn 138,5 triệu USD chỉ trong năm 2016, mỗi du khách này có chi tiêu trung bình 346 USD, cao hơn nhiều du khách thông thường.
Báo cáo mới công bố đầu năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường Analytical Research Cognizance đã dự đoán thị trường du lịch golf toàn cầu sẽ chạm mốc tỉ lệ tăng trưởng kép 11% vào năm 2023, đạt mức 15,1 tỷ USD vào năm 2024.
Con số này có cơ sở để hiện thực hóa nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của các sân golf trên toàn cầu, sự gia tăng số lượng các giải đấu chuyên nghiệp, nghiệp dư và đặc biệt là các hãng hàng không mở thêm đường bay kết nối những “kinh đô” golf cũ và mới tại những nước giàu tiềm năng.
Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến mới của các golfer nước ngoài. Địa hình đa dạng suốt dọc chiều dài đất nước với 75% diện tích là đồi núi, đường bờ biển dài 3.260 km cùng khí hậu nhiệt đới thích hợp cho các hoạt động thể thao, du lịch ngoài trời là những điều kiện lý tưởng để Việt Nam phát triển du lịch golf, đón lượng lớn dòng khách quý tộc chơi golf vốn chỉ tập trung tại các nước châu Á khác.
Xây dựng thương hiệu du lịch golf vươn tầm quốc tế
Cây bút kỳ cựu Erik Matuszewski từng nhận định trên Forbes rằng trong số 209 quốc gia có sân golf, Việt Nam có thể coi là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, nhờ vào xu hướng đầu tư các sân golf ở những điểm đến du lịch hấp dẫn.
“Việt Nam có nhiều địa điểm bán sa mạc và đặc tính địa hình ấn tượng, phù hợp với sân golf”, ông Curley – đại diện đơn vị thiết kế sân golf hàng đầu thế giới Schmidt-Curley Design nhận xét. Những sân golf tại các vùng đất tiềm năng này sẽ dần làm gia tăng nhu cầu chơi golf, trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng là rất thấp, không giống các sân golf ở châu Âu.
Theo báo cáo “Golf vòng quanh thế giới” mới nhất của R&A, Việt Nam có 78 sân golf đang hoạt động và 43 sân trong giai đoạn phát triển. Trong số này, có nhiều sân đạt thứ hạng cao tại châu Á và thế giới khi được xây dựng trên những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Điển hình có thể kể tới chuỗi sân golf của Tập đoàn FLC như FLC Sam Son Golf Links nằm trên vùng đầm lầy ven biển, sân FLC Quy Nhơn Golf Links trải giữa rừng thông và đồi cát hay FLC Ha Long Golf Club – tuyệt tác sân golf trên đồi hướng tầm nhìn tuyệt đẹp ra vịnh Hạ Long. Đáng chú ý, các sân golf này đều nằm trong các quần thể nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn, đồng bộ, đầy đủ dịch vụ tiện ích, là yếu tố quan trọng giúp kích thích nhu cầu chi tiêu và giữ chân golfer lưu trú lâu hơn.
Sân golf FLC Sam Son Golf Links là điểm đến yêu thích của nhiều golfer quốc tế
Không chỉ gia tăng về số lượng sân, phong trào golf ở Việt Nam những năm qua cũng phát triển mạnh, thông qua nhiều giải golf quy mô liên tục được tổ chức.
Chỉ tính riêng Tập đoàn FLC cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền & Sân golf FLC Biscom đã tổ chức hơn 200 giải golf trong năm 2018, mỗi giải thu hút hàng nghìn golfer trong và ngoài nước tham gia. Đồng thời, việc các hãng hàng không như Bamboo Airways gia nhập thị trường và dự kiến sẽ mở nhiều đường bay thẳng kết nối các khu vực trọng điểm du lịch golf trong nước với quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các golfer dễ dàng di chuyển, tham dự các giải đấu.
Trong 2 năm liên tiếp 2017 – 2018, Việt Nam đã có tên trong danh sách “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do tạp chí Asia Golf bình chọn. Ông Mike Sebastian, Giám đốc điều hành APGG (Asia Pacific Golf Group) cho biết: "Việt Nam đã tạo ấn tượng rất tốt trong cuộc bình chọn trực tuyến của Giải thưởng Golf Châu Á, qua đó dành được rất nhiều sự ủng hộ từ các golf thủ cả trong khu vực và quốc tế”.
Một ví dụ minh chứng cho sự ủng hộ này có thể thấy ngày càng nhiều các golfer từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Anh… đến Việt Nam chơi golf kết hợp du lịch. Đơn cử như sân FLC Ha Long Golf Club mới đây đã đón siêu sao làng golf Michael Campbell – Nhà vô địch trong giải đấu được đánh giá khó thất thế giới - US Open 2005 đến chơi golf và bàn chuyện hợp tác.
Trong xu hướng phát triển của du lịch golf Việt Nam, sự kiện tay golf huyền thoại thế giới Greg Norman trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá du lịch golf tại Việt Nam ra thế giới, vì hơn ai hết, một người hiểu về nhu cầu của khách du lịch golf như Greg Norman sẽ nhìn thấy những điểm thu hút của hình thức du lịch này.
Cùng với đó, sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam vào đầu tháng 3/2019 thông qua các hoạt động hợp tác cùng các doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch kết hợp chơi golf, giải đấu golf, hội thảo golf, hội chợ golf… trong nước và quốc tế sẽ góp phần quan trọng đánh thức tiềm năng du lịch golf, thúc đẩy du lịch chất lượng cao, làm gia tăng giá trị của du lịch Việt Nam.