Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50 – 70 ở thế kỷ trước. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố trong tranh ông gần với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của ông, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Nhiều tranh của Bùi Xuân Phái đã được giải thưởng trong các cuộc triển lãm toàn quốc và Thủ đô. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách “Hề chèo” (1982).
Do tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, từ năm 1957 trở đi, hoạt động của ông dần bị hạn chế. Để kiếm sống, ông phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các báo, lấy bút hiệu là: PiHa, ViVu, Ly. Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc triển lãm cá nhân (đầu tiên và cũng là duy nhất), nhận được sự đánh giá cao từ phía công chúng, đồng nghiệp. Với 24 bức tranh được khách hàng đặt mua ngay trong ngày khai mạc, có thể coi đây là triển lãm thành công nhất so với trước đó tại Việt Nam.
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu nghệ thuật, khát khao tìm tòi và thể hiện cái đẹp dung dị đời thường bằng những nét vẽ cọ, Bùi Xuân Phái đã không ngừng vẽ, sáng tạo nghệ thuật ngay cả khi không mua được vật liệu và ông đã phải tận dụng mọi chất liệu như vỏ bao thuốc lá, giấy báo… Ông cũng là họa sĩ đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng.
Ông vẽ nhiều chân dung. Người mẫu của Bùi Xuân Phái thường là những cô gái không đẹp theo cách thông thường và chân dung thiếu nữ của ông cũng đầy tâm trạng, hiếm có bức nào có vẻ đèm đẹp thông thường ngay cả khi ông vẽ một cô diễn viên đầy quyến rũ thì ông vẫn vẽ theo cái nhìn và quan niệm nghệ thuật của ông. Thời đó người ta cũng nói vui, những người phụ nữ thích được làm mẫu cho Bùi Xuân Phái vẽ phải là những người phụ nữ không sợ “xấu”.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai Bùi Xuân Phái kể lại: Các nhiếp ảnh gia thời đó rất thích chụp ảnh Bùi Xuân Phái, đến nỗi có lần ông phàn nàn: “Kiểu này không khéo mình trở thành người mẫu để cho các vị nhiếp ảnh chụp”. Tuy Bùi Xuân Phái được chụp nhiều ảnh, nhưng các kiểu ảnh chụp ông thường là do các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp nên nó cũng mang cái nhìn của nghệ sĩ, rất hiếm có bức ảnh nào chụp “nghiêm chỉnh” theo kiểu chứng minh thư. Đây cũng là điều mà không ai ngờ tới. Vào những ngày tháng cuối đời ông lâm bệnh nặng, người nhà phải đưa ông nhập viện. Khi tiếp nhận người bệnh, thủ tục của bệnh viện là phải lập hồ sơ và yêu cầu phải có 2 tấm ảnh để dán vào hồ sơ bệnh án.
Tác phẩm Phân xưởng nhuộm, Bột màu, 1985.
Anh Phương vội chạy về nhà, lục tìm trong album của ông, tuy rất nhiều ảnh nhưng không thể có 2 tấm ảnh giống nhau. Anh đành chọn lấy hai bức ảnh ông chụp chung với các bạn hữu, cắt ra lấy chân dung của ông, theo kích cỡ 3x4, rồi vội vàng đem đến bệnh viện. Vị phụ trách tiếp nhận hồ sơ nói: - Như vậy là sai qui định không thể trong hồ sơ của một người lại dán 2 bức ảnh khác nhau. Tại sao ông Bùi Xuân Phái nổi tiếng thế mà đến 2 tấm ảnh chụp cho mình cũng không có?
Hôm đó ngay trong đêm, Bùi Thanh Phương đến gõ cửa nhà nhiếp ảnh Trần Chính Nghĩa, và nhờ anh này in ra 2 bức ảnh để dán vào hồ sơ và mình cũng yêu cầu in thêm một bức ảnh cỡ lớn để treo ở nhà. Chỉ hơn một tháng sau cái đêm hôm đó, Bùi Xuân Phái qua đời tại bệnh viện. Với căn bệnh ung thư phổi thì các bác sĩ thời đó cũng không giúp được gì nhiều cho Bùi Xuân Phái ngoài những viên thuốc ngủ họ phát cho ông uống mỗi ngày, nhưng cũng nhờ có họ mà Bùi Xuân Phái cùng gia quyến có thêm được chút điểm tựa về tinh thần trong những ngày cuối đời của ông.
Di bút của Bùi Xuân Phái. Ảnh: Bùi Thanh Phương.
Tháng 8/2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa, Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội” được ra đời nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội. Từ đó tới nay, hàng chục công trình, cá nhân, tập thể đã được vinh danh vì những đóng góp có thực vào đời sống.
Tên ông – Bùi Xuân Phái – cũng đã thành tên đường ở ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.