Biệt thự vườn rộng 700m2 của đại gia kim hoàn phố cổ Hà Nội một thời

Nằm giữa trung tâm Phố cổ Hà Nội sầm uất, ngôi nhà cổ số 6 Đinh Liệt là công trình hiếm hoi vẫn giữ nguyên vẹn được nét kiến trúc cổ kính xưa, với sân vườn xanh mát bao quanh.

Đối lập với không khí nhộn nhịp, ồn ào của Phố cổ Hà Nội, bất cứ ai khi bước chân vào ngôi nhà tại số 6 Đinh Liệt đều cảm nhận được không khí trong lành, với hàng chục gốc cây cổ thụ xanh mướt bao bọc.

Đây là công trình hiếm hoi ở Hà Nội cho đến nay, vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính xưa. Chủ nhân của ngôi nhà là vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề, đều là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Đại diện cho con cháu họ Phạm đang sống trong ngôi nhà vườn số 6 Đinh Liệt, ông Phạm Ngọc Giao, con trai cả của cụ Phạm Thị Tề cho biết, trước năm 1944, công trình thuộc về một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao), và cụ Bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) mua lại với giá 50.000 đồng Đông Dương.

Sau khi mua lại, ngôi nhà được ông Phạm Khắc Hệ, một trong những KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế lại toàn bộ công trình, bao gồm cả khu vực vườn tược và nhà ở.

“Giữa trung tâm Hà Nội sầm uất, gia đình tôi vẫn giữ được khu vườn cây xanh lý tưởng, giúp ngôi nhà hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên", ông Giao tự hào nói.

Trong khu vườn hiện có rất nhiều gốc cây cổ thụ được trồng từ 70 - 80 năm trước.

Các gốc cổ thụ giúp cho ngôi nhà trở nên mát mẻ, bình yên tách biệt với cuộc sống đô thị sầm uất bên ngoài.

Trong khu vườn của gia đình ông Giao hiện vẫn còn giữ được một chiếc giếng cổ, không rõ niên đại.

Nằm sát bên cạnh giếng cổ có một bể nước đặt tiểu cảnh nhỏ. Theo ông Giao, chiếc giếng cổ và bể nước giống như hai con mắt ngọc, rất tốt trong phong thủy.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà vườn cổ duy nhất tại Hà Nội là được xây dựng theo lối “nhà xuyên phố”. Trong đó, cổng trước nằm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt.

Về kiến trúc, ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp với nhà truyền thống của người Việt. Các cột, kèo bên trong nhà đều được làm bằng gỗ đinh.

Ông Phạm Ngọc Giao tiết lộ, phần ngói của căn nhà vẫn được giữ nguyên vẹn từ năm 1945 cho tới nay.

Trên đỉnh mái được chạm khắc hình rồng cách điệu rất độc đáo. Sau gần 80 năm, các họa tiết trên mái vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa, với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt giá.

Trong đó, bộ bàn ghế cổ gần 100 tuổi được nhập khẩu từ Pháp về. Ông Giao cho biết, điểm đặc biệt của bộ bàn ghế này là được chính các thợ mộc người Pháp làm thủ công từ đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra, gia đình ông Giao còn giữ được 2 bộ câu đối từ hơn 80 năm trước.

HIện nay, ngôi nhà là nơi sinh hoạt của 5 thế hệ nhà họ Phạm.

Ông Phạm Ngọc Giao cho hay, căn nhà cổ là nơi chứng kiến những thăng trầm lịch sử, ký ức của cả gia đình, vì thế dù nhiều lần được trả giá cao song các thành viên trong gia đình ông đều không bán, mà quyết giữ lại bằng mọi giá.

Theo Báo Xây Dựng