5 thói quen nấu ăn đang "dẫn lối" cho ung thư tìm đến

Các thói quen nấu nướng không đúng cách có thể là nguyên nhân khiến gia đình bạn mắc phải căn bệnh ung thư quái ác.

Không chỉ xuất phát từ những chất có bên trong các loại thực phẩm mà cách chế biến, nấu nướng thức ăn trong gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư. Hiện nay, nhiều người vẫn luôn thực hiện 5 thói quen xấu này mỗi khi nấu ăn, tưởng chừng như đó là việc nên làm, giúp tiết kiệm hoặc làm tăng độ ngon miệng, hấp dẫn của thực phẩm nhưng ấy thế mà lại phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe.

1. Ngâm lâu khi rửa rau

Nhiều người rất nghiêm túc khi rửa rau, để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu và bụi bẩn, họ sẽ cho một ít muối, baking soda hoặc chất tẩy rửa vào nước, ngâm rau trong một thời gian với suy nghĩ là ngâm lâu hơn thì sẽ giúp loại bỏ thuốc trừ sâu tốt hơn.

Tuy nhiên, ngâm rau lâu không tốt, thực tế, điều này dễ làm mất chất dinh dưỡng trong rau. Hơn thế, một số dư lượng thuốc trừ sâu có thể xâm nhập vào bên trong rau và cũng có thể khiến hàm lượng nitrit trong rau tăng cao.

Nitrit khi đi vào dạ dày của con người sẽ phản ứng với các amin thứ cấp (sản phẩm của quá trình phân hủy protein) tạo thành nitrosamine dưới tác dụng của axit dạ dày. Nitrosamine có tác dụng gây ung thư mạnh và có thể gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư ruột.

Vì vậy, khi rửa rau, bạn nhớ đừng ngâm quá lâu, chỉ ngâm khoảng 5 phút là đủ, cho muối hoặc nước tẩy rửa rau củ quả với lượng vừa đủ. Đối với các loại rau như súp lơ, bạn có thể chần sơ qua nước sôi trước khi rửa.

2. Thớt không rửa và lau khô

Chiếc thớt trong nhà bếp có thể được coi là vật dụng "bận rộn" nhất trong quá trình nấu nướng. Chúng ta thái rau, thái thịt... cắt tất cả mọi thứ bằng thớt hàng ngày, nếu bản thân thớt không sạch thì thực phẩm dù đã được rửa sạch cũng vẫn bị nhiễm bẩn trở lại.

Ngoài ra, việc sử dụng thớt trong thời gian dài, vệ sinh không đúng cách, không phơi khô, dùng chung để thái thức ăn sống và chín có thể khiến nấm mốc phát triển, từ đó sinh ra độc tố aflatoxin, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách chất gây ung thư hàng đầu. Nó có sức tàn phá cực lớn đối với mô gan và gây ung thư gan mạnh.

Vì vậy, thớt phải được rửa sạch trước và sau khi sử dụng, có thể khử trùng bằng muối hoặc giấm trắng. Nếu xuất hiện các vết nứt, gờ hoặc thâm đen trên thớt, bạn nên thay thế kịp thời.

3. Chờ dầu bốc khói

Nhiều người cảm thấy khi dầu bốc khói lên mới cho thức ăn vào nấu sẽ giúp món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi dầu bắt đầu bốc khói tức là nhiệt độ của nó đã cao tới 200 độ C, không chỉ phá hủy vitamin C, E và các axit amin thiết yếu trong rau, làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn khiến dầu ăn bị biến chất ở nhiệt độ cao và sinh ra acrolein, cùng các chất gây ung thư như phenylpropionylpyrene rất có hại cho sức khỏe.

Vì vậy, khi nấu ăn tại nhà, tốt nhất bạn nên cho nguyên liệu vào nồi để nấu trước khi dầu bốc khói. Nếu cảm thấy không kiểm soát được nhiệt độ dầu, bạn có thể dùng đũa gỗ để kiểm tra khi nào thì đầu đũa chạm dầu sủi bọt tăm là được. Tóm lại, nên kiểm soát nhiệt độ của dầu ở nhiệt độ dầu trung bình, ít ăn đồ chiên rán và nên nhớ dầu chỉ nên dùng một lần, không dùng lại nhiều lần.

4. Không mở máy hút khói (hút mùi) khi nấu

Nhiều người thường quên bật máy hút mùi khi nấu ăn hoặc cố tình không bật để tiết kiệm điện, nhưng họ không biết rằng việc tiết kiệm được một chút trong hóa đơn tiền điện đó không thể đủ để chi trả cho sức khỏe.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khói bếp được tạo ra từ quá trình nấu nướng chứa hơn 300 chất có hại, bao gồm hydrocacbon thơm đa vòng, benzopyrene, crotonaldehyde và các chất gây ung thư khác. Chất acrolein trong khói dầu có mùi cay nồng, rất dễ kích ứng niêm mạc mũi, mắt, họng, không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp mà còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi theo thời gian.

Vì vậy, bạn nên bật máy hút mùi khi nấu nướng, sau khi nấu xong hãy vẫn cứ để máy hút mùi chạy tiếp thêm 3-5 phút nữa, đồng thời mở cửa sổ thông gió để giúp thoát khí độc hại trong bếp gây nguy hiểm cho sức khỏe của gia đình bạn.

5. Không rửa lại nồi trước khi dùng lại nồi để nấu món khác

Để đỡ rắc rối, nhiều người nấu món tiếp theo mà không cọ rửa nồi bởi thấy đáy nồi vẫn còn sạch hoặc làm vậy để tiết kiệm, tận dụng dầu thừa.

Trên thực tế, những chiếc nồi tưởng chừng như sạch sẽ này sẽ có dầu mỡ và cặn thức ăn bám trên bề mặt, nếu đun lại ở nhiệt độ cao dễ sinh ra chất gây ung thư như benzopyrene, thức ăn còn sót lại cũng bị cháy xém, tiềm ẩn nguy cơ ung thư, tác hại của nó có thể xảy ra. Việc làm này có nguy cơ nguy hại cho sức khỏe còn cao hơn cả việc ăn đồ nướng.

Vì vậy, mọi người sau khi nấu xong một món nên tráng nồi thật kỹ rồi mới nấu món tiếp theo để không ảnh hưởng đến mùi vị, ăn sẽ ngon và an toàn hơn.

Nguồn tham khảo: QQ, Kknews, WHO, CDC. Ảnh: Pinterest

Theo Báo Dân Sinh