Nhiều tỉnh thành đón đầu xu hướng đầu tư hậu Covid-19

Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành đẩy mạnh đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư mới với nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt là việc phát triển các cảng nước sâu, xây dựng khu công nghiệp, các khu đô thị vệ tinh.

Khoản 370 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã  vào Việt Nam

Tại Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác, đầu tư và Phát triển đã đón 17,6 tỷ USD đầu tư vào 229 dự án, đồng thời ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước mới là quan trọng, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư thế hệ mới cho những năm tiếp theo. 

Hà Nội tiên phong trong xu hướng đón đầu các nhà đầu tư. Ảnh: Dương Lâm

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Thành phố đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đến nay, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 58/62 các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: giao thông, du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư, văn hóa, xã hội,… Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được mở rộng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới".

Tại Bắc Giang, tỉnh không chỉ hỗ trợ nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục cấp phép mà phải luôn đồng hành trong suốt quá trình đầu tư, như đáp ứng đủ điện cho sản xuất. Trước đây tình trạng mất điện trên địa bàn khu công nghiệp xảy ra nhiều, để cải thiện tình trạng này lãnh đạo tỉnh đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với ngành điện. Đến nay tình trạng này đã được khắc phục.

Tỉnh Bắc Giang cũng là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Dương Lâm

Nói thêm về chính sách thu hút các nhà đầu tư, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang cho biết: "Chúng tôi đã lập một tổ công tác dưới sự điều hành trực tiếp của chủ tịch tỉnh để xử lý tất cả các vướng mắc của nhà đầu tư FDI. Để hút được các dự án FDI chất lượng cao đến đầu tư, đầu tiên tỉnh phải luôn quan tâm đặc biệt tốt các nhà đầu tư FDI đang đầu tư trên địa bàn. Từ đó, nhà đầu tư tự giới thiệu nhau đến."

Tại Nghệ An, với thế mạnh có sân bay quốc tế Vinh với nhiều đường bay đa dạng nhiều tuyến đường đến các địa phương cũng như với Lào và Đông Bắc Thái Lan cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Đặc biệt, ở địa phương này có cảng xăng dầu chuyên dụng với quy mô 60.000 tấn đáp ứng được đầy đủ việc cung ấp nhiên liệu để các nhà đầu tư vận dụng máy móc làm hạ tầng các lĩnh vực như xây dựng khu công nghệ cao, dịch vụ du lịch thương mại và cảng biển. Nói về điều này, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An cho biết: " Chúng tôi đã chỉ đạo các sở ngành phải đẩy nhanh cái giải quyết thủ tục và phải đồng hành với khách hàng đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư để giải quyết các vướng mắc về thủ tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh  làm sao cho họ cảm thấy thoải mái nhất."

Cảng Vũng Áng tiếp tục được đầu tư trọng điểm để thành khu vực giao thương lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh bốn câu cảng do Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư đang được gấp rút để xây dựng tại Vũng Áng để đón mời các nhà đầu tư và kỳ vọng khi những cầu cảng này được hoàn thiện sẽ tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn từ 50.000 tấn đến 300.000 tấn. Bên cạnh đó các dịch vụ cả vận tải biển cũng rất được chú trọng. Được biết, đầu năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020, phấn đấu thu hút khoảng 180 dự án với tổng nguồn vốn khoảng 3 tỷ USD. 

Hiện tại, dải đất miền Trung anh hùng này là nơi hội tụ của gần 1.400 DN, tập đoàn kinh tế với 1.378 dự án, tổng số vốn đăng ký 430.518 tỷ đồng. Trong đó, có 1.305 dự án trong nước, tổng nguồn vốn 113.049 tỷ đồng; 73 dự án FDI, vốn đăng ký 13,7 tỷ USD (tương đương 317.469 tỷ đồng). Với những con số đáng chú ý này, Hà Tĩnh hiện đã lọt top 9 địa phương thành công nhất trong 63 tỉnh, thành về công tác mời gọi đầu tư.

Theo các thống kê từ các cơ quan liên quan đã có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta với tổn số vốn khoảng 370 tỷ USD. Đây thực sự là những điều tích cự và cho thấy quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu phân bổ lại mạng lưới sản xuất trên phạm vi toàn cầu mà trong đó Việt Nam được xác định là ứng viên sáng giá khi nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới đây là cơ hội để hình thành các chuỗi giá trị liên kết mới phát triển mạnh mẽ. 

Dương Lâm

Theo Nhà báo và Công luận