Không quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Ngày 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi với 90,68% tỷ lệ đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Chưa "lên đời" hộ kinh doanh thành DN

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật DN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều trong quá trình thảo luận là nên hay không chuyển hộ kinh doanh thành DN và quy định ngay tại luật sửa đổi lần này.

Một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy ý kiến có 174 ý kiến đại biểu đồng ý (tương đương 40,18%) đồng ý quy định một chương về hộ kinh doanh trong Luật DN (sửa đổi).

Trong khi đó, có tới 258 đại biểu (tương đương 59,58%) ý kiến phản đối và đề nghị ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng bỏ quy định về hộ kinh doanh tại Luật DN sửa đổi, bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành DN. Thay vào đó, sẽ ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

Cũng theo Luật DN (sửa đổi), khái niệm DN Nhà nước đã được định nghĩa lại. Theo đó, DN Nhà nước là DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thay vì tỷ lệ tuyệt đối 100% như trước.

Khái niệm này được xây dựng trên nguyên tắc phân chia các loại DN có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu, nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, việc Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) các quyết định khác của DN.

khong qui dinh ve ho kinh doanh trong luat doanh nghiep sua doi
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội  

Bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu

Liên quan tới con dấu của DN, Luật DN sửa đổi cũng bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhằm đơn giản thủ tục cho DN.

Có ý kiến cho rằng, pháp luật đã quy định DN được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm" và Luật DN năm 2014 có quy định "ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư, kinh doanh". Tuy nhiên, thực tế hiện nay, DN vẫn phải đăng ký chi tiết những ngành, nghề đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung này theo hướng DN không cần phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không quy định phải có điều kiện.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định DN gửi thông tin về ngành, nghề kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh không hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN. DN được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Việc gửi thông tin này chỉ là thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận thông tin về DN vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN mà không phải là thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh của DN. Hơn nữa, quy định này cũng là cơ sở để cơ quan thuế phân cấp quản lý về thuế và xác định mức ưu đãi thuế cho DN.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trường hợp DN có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì phải thành lập pháp nhân và thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại khu vực đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và Luật DN là không hạn chế các DN trong lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh và không hạn chế phạm vi kinh doanh của DN trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế. Việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp là quyền của DN tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh doanh cụ thể. Trường hợp, DN có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác với nơi có trụ sở chính thì DN thực hiện trình tự, thủ tục theo pháp luật về đầu tư, đất đai... mà không bắt buộc thành lập một pháp nhân mới.

Do đó, không nên có quy định hạn chế hoặc yêu cầu DN phải thành lập pháp nhân mới khi kinh doanh ngoài phạm vi địa phương nơi mà DN đặt trụ sở chính... Luật DN sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Theo Pháp luật và Xã hội